Ông Đặng Thành Tâm và giấc mơ TOÀN CẦU HÓA |
10.11.2009 |
“Muốn tiến ra biển lớn thì doanh nghiệp phải luôn gắn thương hiệu của mình với điều gì đó có nghĩa. Để làm được điều này, chúng tôi đang không ngừng nâng cao nội lực của SGI”, Đặng Thành Tâm khẳng định. Đặng Thành Tâm, “thuyền trưởng” của Tập đoàn Đầu tư Saigon – SGI, đang từng bước đưa con thuyền SGI tiến ra biển lớn. Ông đang chuẩn bị làm điều này như thế nào? Vì sao ông lại muốn đưa SGI trở thành thương hiệu toàn cầu? Ở Châu Á, Toyota hay Samsung đều có những sản phẩm đặc thù như xe hơi hay tivi đã trở thành thương hiệu quốc gia mỗi khi thế giới nhắc đến Nhật Bản hay Hàn Quốc. Vậy tại sao Việt Nam lại không làm như vậy? Muốn tiến ra biển lớn doanh nghiệp Việt Nam phải luôn gắn thương hiệu của mình với điều gì đó có ý nghĩa. Để làm được điều này, chúng tôi đang không ngừng nâng cao nội lực của SGI. Từ sau cuộc khủng hoảng đến nay, tình trạng của SGI như thế nào? Tôi có thể khẳng định, SGI đã hoàn toàn hồi phục sau đợt suy thoái kinh tế thế giới vừa qua. Không những thế, tổng vốn của SGI còn tăng gấp 3 lần so với trước khủng hoảng. Uy tín thương hiệu và đội ngũ nhân sự cùng việc triển khai các dự án khổng lồ của Tập đoàn đều tăng, chẳng hạn việc đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện và phong điện mà trước đây các doanh nghiệp Việt Nam ít nghĩ đến. Những nguồn thu của SGI đến từ đâu? Thành phần nòng cốt hiện nay của SGI là các công ty thành viên đang phát triển tốt như Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty Cổ phần Công Nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SGT), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank), Ngân hàng Thương mai Cổ phần Miền Tây (Western Bank) và Công ty Cổ phần Khoáng sản Saigon Quy Nhơn (SQC). Năm công ty này sẽ hợp thành thế chân vạc đầu tiên trong số 3 chân vạc của SGI. Tôi gọi chân vạc này là “cây ăn quả”, nghĩa là chúng có nhiệm vụ tạo ra lợi nhuận trước cho Tập đoàn. Đối với KBC, công việc kinh doanh đang ngày càng ổn định, tạo ra lợi nhuận rất khả quan. Trong khi đó, SGT dù có tốc độ phát triển không bằng KBC nhưng vẫn kinh doanh có lãi. Ở Châu Âu, có thuật ngữ “cashcow”, nghĩa là “con bò sữa”, còn Việt Nam gọi là “gà đẻ trứng vàng”. Và 2 công ty này chính là những con gà như thế. Vậy tình hình của 2 ngân hàng Navibank và Western Bank hiện nay ra sao? Mỗi ngân hàng này có lãi khoảng mười mấy phần trăm mỗi năm. Vì chúng tôi đã cam kết với cổ đông là sẽ đại chúng hóa toàn bộ hoạt động của SGI theo lộ trình vạch sẵn nên sẽ chuẩn bị cho việc niêm yết Navibank và Western Bank lần lược tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong thời gian tới. Vậy SQC thì sao? Như chúng tôi đã nói, SGI sẽ đại chúng hóa nên SQC cũng không là ngoại lệ. Chúng tôi cũng đã nộp hồ sơ niêm yết SQC ở HNX. Theo đánh giá của chúng tôi, chỉ có đại chúng hóa thì doanh nghiệp Việt Nam mới tăng cường được sức mạnh và hòa nhập được với thế giới. Vậy, chân vạc thứ 2 và 3 của ông là gì? “Chân vạc” thứ hai bao gồm những dự án Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động như khu công nghiệp ở Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ. Tuy chúng chưa tạo ra lợi nhuận nhưng đây là các dự án thuộc về chiến lược phát triển tổng thể của SGI. “Chân vạc” thứ ba là những dự án trong ngành điện và công nghệ cao đang ở giai đoạn nghiên cứu với quy mô đầu tư lớn về vốn và công nghệ. Cụ thể, đối với ngành điện, SGI đã quyết định đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Bắc Giang với tổng công suất lên đến 600 MW và tổng vốn đầu tư là 800 triệu USD. Còn ở lĩnh vực công nghệ cao, chúng tôi vẫn đang trong quá trình học hỏi và nghiên cứu. Tôi từng tham quan các nhà máy công nghệ cao ở một số nước Châu Á như nhà máy của Tập đoàn Foxcom (Đài Loan) đặt ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) với hơn 300.000 công nhân, trong 1 giờ có thể tạo ra hơn 90.000 con chip với tổng trị giá hơn 100 triệu USD. Và tôi nghĩ đến Việt Nam. Thực ra, đây không chỉ là suy nghĩ của tôi. Để đạt mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2020, từ năm 2001, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết “đi tắt đón đầu” hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta chưa làm được nhiều và bằng chứng là các khu công nghệ cao tại Hà Nội và TP.HCM do Chính phủ đầu tư vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Đơn giản, vì lý do cơ chế. Người ta từng biết đến Đặng Thành Tâm như là một trong những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán. Liệu thương hiệu này có đủ mạnh để tạo ra một cuộc bứt phá cho SGI trong thời gian tới? Theo tôi, thương hiệu SGI hay ITA (Tập đoàn Đầu tư Tân Tạo), tập đoàn mà tôi điều hành trước kia và hiện tôi vẫn đang nắm giữa một lượng cổ phần nhất định, sẽ tồn tại mãi mãi theo thời gian. Còn đối với thương hiệu Đặng Thành Tâm, tôi cần gìn giữ những gì quý giá và thân thương nhất. Tôi luôn tâm niệm không ngừng phấn đấu để có thể mang lại điều gì đó có ích cho đời. Cái chung và cái riêng luôn đi cùng với nhau, nếu thiếu một trong hai thì cho dù chỉ là một thành quả nho nhỏ cũng khó mà đạt được. Theo Báo Nhịp Cầu Đầu Tư số 155 ngày 02-08.11.2009 |