Khánh thành nhà máy xỉ Titan |
10.11.2009 |
Ngày 24/7/2009, tại huyện Phù Mỹ (Bình Định), Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), thành viên Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) đã tổ chức Lễ Khánh thành và đi vào hoạt động Nhà máy xỉ Titan hiện đại nhất Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng trên tổng diện tích 73 ha. Tham dự buổi Lễ có ông Xay Xom Phon Phom Vi Han - Phó Chủ tịch Quốc hội Lào; ông Ku Keo Akha mo kentry - Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Lào; ông Nguyễn Văn Son - Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; ông Lê Hữu Lộc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh. Nhà máy xỉ Titan có thể được xem là một trong những dự án có quy mô nhất của SQC. Sản lượng giai đoạn 1 gồm 2 lò là 24.000 tấn xỉ Titan với độ tinh khiết lên đến 93%, là sản phẩm Titan có độ tinh khiết và cao cấp nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, Nhà máy còn cho ra sản phẩm phụ sắt cường độ cao lên đến 12.000 tấn năm. Giai đoạn 2 sẽ thêm 3 lò, sản lượng tăng thêm là 36.000 tấn xỉ Titan (có độ tinh khiết 93%) và 18.000 tấn sắt /năm. Tổng cộng cả 5 lò là 60.000 tấn xỉ Titan và 30.000 tấn sắt/năm. Theo bà Đặng Thị Hoàng Phượng, Chủ tịch HĐQT SQC: “Sau những nỗ lực tìm kiếm mô hình phát triển từ các nước trên thế giới và phát hiện ra tiềm năng khoáng sản Titan - hợp chất được xếp vào hàng kim loại chiến lược và nhu cầu sử dụng không ngừng tăng cao, vì vậy, đầu năm 2007, lãnh đạo Tập đoàn SGI và Công ty SQC đã quyết định thành lập Nhà máy sản xuất xỉ Titan hiện đại nhất Việt Nam nhằm khai thác những lợi thế tài nguyên quốc gia”. Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn SGI phát biểu tại buổi Lễ Bà Phượng cũng cho biết thêm, hiện nay các công ty khoáng sản chủ yếu khai thác titan sa khoáng và bán thô, hoặc chế biến tinh đến 52% rồi xuất khẩu với giá rất rẻ, giá thô chỉ 50 USD/tấn. Chính vì thế, SQC quyết định nhập thiết bị hiện đại, xây dựng nhà máy chế biến để cho ra sản phẩm với giá trị gia tăng cao hơn 20 lần giá xuất thô… Việc làm này nhằm gia tăng giá trị tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường tốt hơn. Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho rằng, trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xỉ Titan của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn và Công ty SQC là những nỗ lực rất đáng kể nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phù Mỹ, Bình Định nói riêng và của nước Việt Nam nói chung. Ông cũng chúc mừng thành công bước đầu của Nhà máy và mong muốn Tập đoàn cũng như Công ty SQC sớm triển khai dự án giai đoạn hai và đi vào hoạt động đúng tiến độ đã đề ra. Thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Nhà máy xỉ lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam Dự kiến, Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho ít nhất 500 lao động địa phương và đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước mỗi năm, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ tiến tới việc sản xuất dioxit titan và hợp kim TiO2 (hợp chất titan), một sản phẩm cao cấp, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Theo đó, Công ty SQC sẽ làm chủ đầu tư cụm công nghiệp gần 100 ha tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, để hình thành Cụm công nghiệp chế biến sâu titan của tỉnh Bình Định. Toàn cảnh buổi lễ SQC là thành viên mới thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - Saigon Invest Group (SGI), được thành lập nhằm khai thác và chế biến quặng sa khoáng Titan; Sản xuất bê tông và các sản phẩm khác từ ximăng, vữa; Cho thuê nhà xưởng phục vụ các mục đích kinh doanh; Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh; San lấp mặt bằng, làm đường giao thông nội bộ trong mặt bằng xây dựng; Xây dựng công trình dân dụng, công trình công nghiệp và công trình giao thông… Kể từ khi thành lập cho đến nay, chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng SQC đã thực hiện được nhiều dự án quan trọng tại địa bàn tỉnh Bình Định, nhất là dự án làm sạch môi trường tận thu quặng Titan thô tại KCN Nhơn Hội A. Có thể nói, Công ty đã góp phần quan trọng trong việc chuyển hướng đầu tư kinh doanh của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn từ các lĩnh vực kinh doanh truyền thống sang lĩnh vực công nghiệp nặng mang lại nhiều giá trị gia tăng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Nhà máy đi vào vận hành Lê Duy |